Họp nắm bắt việc triển khai thực hiện Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Đắk Mil
Sáng ngày 06/8/2024, tại Phòng họp số 02, khu nhà B, trụ sở HĐND và UBND huyện, UBND huyện Đắk Mil tổ chức họp nắm bắt việc việc triển khai thực hiện Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Đắk Mil. Tham dự cuộc họp có đồng chí Phan Bá Tịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì cuộc họp; Lãnh đạo các đơn vị: Hội Nông dân huyện, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện; Lãnh đạo, chuyên viên phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; Lãnh đạo, công chức Văn hóa - Xã hội và cán bộ Thú ý các xã, thị trấn.
Trong thời gian qua, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với 08/10 xã, thị trấn thực hiện 12 mô hình, dự án, trong đó: 10 mô hình bò lai sind sinh sản và 02 mô hình dê lai boer sinh sản với 95 hộ thuộc các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo và đã hoàn thành việc bàn giao con giống gồm: 154 con bò, 144 con dê đến 95 hộ gia đình.
Đ/c Phan Bá Tịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại cuộc họp
Toàn cảnh cuộc họp
Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự họp đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về những tồn tại, hạn chế và đưa ra những giải pháp khắc trong công tác triển khai thực hiện Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.
Phát biểu kết luận tại buổi họp, đồng chí Phan Bá Tịnh, UVBTV HU, Phó Chủ tịch UBND huyện yêu cầu phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn: Hướng dẫn các địa phương khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện mô hình nuôi Bò, Dê thuộc dự án 2 về đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo trong thời gian qua; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mô hình, dự án do đơn vị làm chủ đầu tư, khi kiểm tra có đơn vị chuyên môn thú y đi cùng, lập biên bản kiểm tra cụ thể; trên cơ sở báo cáo định kỳ của các địa phương gửi về, định kỳ hàng tháng tham mưu UBND huyện tổ chức họp với các địa phương để đánh giá hiệu quả việc triển khai các mô hình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Tổ chức kế hoạch tập huấn cho các hộ tham gia các dự án, mô hình do đơn vị quản lý nhằm trang bị những kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về các biện pháp, kỹ thuật chăn nuôi bò, dê sinh sản ứng dụng vào thực tiễn để đạt hiệu quả kinh tế cao; Chỉ đạo cán bộ Thú y các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, tham mưu cho chính quyền địa phương trong việc phòng, chống dịch bệnh ở vật nuôi; hướng dẫn các hộ dân các biện pháp vệ sinh, khử trùng, tiêu độc và thực hiện các biện pháp tiêu hủy (nếu có) theo quy định; Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo Chương mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các đoàn thể, cấp ủy, Ban Tự quản thôn, bon, hỗ trợ, giám sát các hộ dân và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả các mô hình, dự án thuộc Dự án 2. Thành lập các nhóm Zalo quản lý theo dõi các mô hình, dự án. Trong đó, cần xác định đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo là một trong những giải pháp quan trọng giúp tạo việc làm, sinh kế bền vững cho người dân góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững tại địa phương; Huy động các lực lượng Dân quân, Thanh niên, Hội Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ xã hỗ trợ ngày công làm chuồng trại cho các hộ gia đình tham gia dự án có hoàn cảnh khó khăn; Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của các mô hình, dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện để người dân nắm bắt và phát huy tinh thần nỗ lực, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững của người dân và cộng đồng.
Bích Phương – Chuyên viên VP