• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sự phát triển về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của huyện Đắk Mil sau 20 năm (2004-2024) ngày tái lập tỉnh và định hướng phát triển trong thời gian tới

Huyện Đắk Mil là một trong 6 đơn vị hành chính đầu tiên của tỉnh Đắk Nông được tái lập theo Nghị quyết số 22/2003/QH11, ngày 26/11/2003 của Quốc hội khóa XI về việc chia tách tỉnh Đắk Lắk thành hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, 20 năm sau ngày tái lập tỉnh, huyện Đắk Mil đã đạt nhiều thành tựu toàn diện, nổi bật trên các lĩnh vực, cụ thể như:

Tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ ổn định, thu nhập bình quân đầu người ngày càng được cải thiện, tốc độ tăng trưởng kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực (năm 2004 đạt 7,63% và ước đến năm 2024 đạt 9,08%). Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo đúng định hướng, phương thức sản xuất và cơ cấu ngành nông nghiệp có bước chuyển biến tích cực, năng suất tăng dần. Hoạt động thương mại tiếp tục phát triển, phân phối lưu thông thông suốt, cung-cầu hàng hóa được đảm bảo, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn năm 2024 ước đạt 5.800 tỷ đồng; số cơ sở hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ về số lượng và chất lượng ngày càng được nâng cao, toàn huyện hiện có hơn 4.000 cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ. Công nghiệp phát triển cả về quy mô và chất lượng, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 12 %/năm, giá trị sản xuất công nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước, sản lượng công nghiệp đạt khá; việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất ngày càng được quan tâm và có xu hướng phát triển; chú trọng khai thác và phát huy tốt các tiềm năng về công nghiệp chế biến nông, lâm sản, công nghiệp nhẹ và năng lượng, từng bước trở thành ngành kinh tế động lực cho phát triển và chuyển dịch cơ cấu của huyện (ước đến năm 2024 cơ cấu nền kinh tế có sự chuyển dịch theo định hướng tăng khu vực thương mại - dịch vụ, giảm khu vực nông, lâm nghiệp: Nông, lâm nghiệp và thủy sản 33,67%; Công nghiệp - xây dựng 23,89%; Thương mại - dịch vụ 42,44%).

Diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều đổi thay: Năm 2014 thị trấn Đắk Mil được công nhận là đô thị loại IV; Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai mạnh mẽ và đạt kết quả quan trọng; kinh tế nông nghiệp nông thôn chuyển biến rõ rệt theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả; kết cấu hạ tầng nông thôn được xây dựng đồng bộ, khang trang; đời sống của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, nâng cao. Đến hết năm 2022, 7/9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

 Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng hoàn thiện. Năm 2004, các tuyến đường giao thông của huyện chủ yếu là đường đất, đá dăm, cấp phối. Đến nay, hệ thống đường giao thông của huyện đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng; các trục đường xã, thôn bon được đầu tư, nâng cấp sửa chữa, tạo điều kiện lưu thông thuận lợi, thông suốt, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm; ước đến năm 2024 đạt 78% tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường huyện, 99% tỷ lệ nhựa hoá, bê tông hoá đường xã, 95% tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường thôn; trên 99% số hộ được sử dụng điện; hạ tầng công nghệ thông tin phát triển nhanh, mạng lưới thông tin phủ sóng rộng khắp; thiết chế văn hóa, công trình thể thao và các công trình phúc lợi xã hội được quan tâm đầu tư từ ngân sách và xã hội hóa đầu tư.

Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được tăng cường và có nhiều tiến bộ. Giáo dục và đào tạo phát triển về quy mô và cải thiện về chất lượng. Y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, dịch vụ y tế công từng bước được nâng cao chất lượng, cơ sở hạ tầng y tế tiếp tục được đầu tư. Công tác giải quyết việc làm được chú trọng.

Công tác an sinh xã hội được chú trọng, đảm bảo, công tác giảm nghèo triển khai hiệu quả hơn. Mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân tiếp tục nâng cao, phong trào thể dục thể thao có bước phát triển khá. Bộ máy các cấp cơ bản được kiện toàn, sắp xếp, cải cách hành chính theo hướng thuận lợi, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp, giải quyết khiếu nại tố cáo xử lý nhanh chóng. Thực hiện tốt các chính sách và đoàn kết dân tộc, tôn giáo theo chủ trương nhất quán của Đảng, nhà nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, giải quyết kịp thời các nhu cầu tôn giáo. Công tác đối ngoại mở rộng, an ninh quốc phòng ổn định, trật tự, an toàn xã hội đảm bảo.

Hình ảnh phát triển đô thị Đắk Mil

 

Bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Sự phát triển của các ngành vẫn còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp nhu cầu của nhân dân; Cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu khai thác các tiềm năng, lợi thế cho phát triển; Tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách còn phụ thuộc nhiều vào khu vực nông nghiệp, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, lẻ, nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, thiếu tập trung. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn bất cập; chất lượng các dịch vụ còn thấp, chưa tạo được mối liên kết với các vùng, khu vực. Lĩnh vực tài nguyên và môi trường là lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp và liên quan đến quyền lợi của nhiều tổ chức, cá nhân; một số quy định pháp luật còn chồng chéo hoặc chưa điều chỉnh hết các mối quan hệ xã hội nên gặp khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện; các chính sách về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ.

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, từng bước đưa huyện Đắk Mil trở thành trung tâm tiểu vùng phía bắc của tỉnh, UBND huyện Đắk Mil đã đưa ra một số định hướng phát triển trong thời gian tới như:

Phát triển nông, lâm, thủy sản theo hướng hình thành các vùng tập trung chuyên canh, nâng cao chất lượng, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ, tạo ra giá trị gia tăng cao. Từng bước xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

Đẩy mạnh việc kêu gọi, xúc tiến đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư lớn mang tầm dẫn dắt cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch; Tiếp tục triển khai điều chỉnh quy hoạch chung đô thị đảm bảo tính dự báo, tính khả thi cao, đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch trung tâm xã, phường, các khu, điểm dân cư nông thôn đảm bảo chất lượng, phù hợp với thực tế tránh những bất cập trong quá trình triển khai dự án; đồng thời xem xét thực hiện điều chỉnh, lập mới các quy hoạch chi tiết, nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý quy hoạch. Rà soát, bổ sung quy hoạch, đầu tư khớp nối đồng bộ hệ thống giao thông của xã với giao thông của huyện và tỉnh. Định hướng phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội trên toàn đô thị Đắk Mil trong tương lai; tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại IV trên toàn huyện và làm cơ sở đến năm 2025 thành lập thị xã Đắk Mil./.

Ngô Hương, Chuyên viên VP