• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn huyện Đắk Mil

Ngày 07/9/2022, UBND huyện ban hành Công văn số 1517/UBND-LĐTBXH về việc tăng cường công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Thông qua Công văn, UBND huyện yêu cầu Thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị trực thuộc; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn và đề nghị các tổ chức đoàn thể:

Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung tại Công văn số 6246/UBND KGVX, ngày 25/12/2019 của UBND tỉnh, về việc thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025; Công văn số 4266/UBND KGVX, ngày 19/8/2020 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14, của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Kế hoạch số 99/KH-UBND, ngày 01/3/2021 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2030. Triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ trẻ em theo ba cấp độ (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp); ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo đảm việc can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại; nâng cao trách nhiệm trong công tác phối hợp liên ngành về bảo vệ trẻ em các cấp, nhất là bảo vệ trẻ em, nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã tham gia nắm bắt tình hình về trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn huyện; kịp thời phát hiện trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, nhất là trẻ em sống trong gia đình có cha mẹ ly hôn, ly thân, cha mẹ đi làm ăn xa hoặc có người liên quan đến tệ nạn xã hội.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình, trách nhiệm nêu gương của người lớn trong gia đình; hướng dẫn gia đình, cơ sở giáo dục, nhà trường và trẻ em về kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa tình trạng cha, mẹ, người thân, người chăm sóc trẻ em xâm hại tính mạng, sức khỏe, tinh thần, nhân phẩm của trẻ em; trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

Thực hiện kịp thời, hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và can thiệp, hỗ trợ trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại địa phương; giải quyết kịp thời, nghiêm minh các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em tại địa phương; xử lý nghiêm hành vi che giấu, không thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

Kịp thời tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện (thông qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội) về các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; thông tin đầy đủ cho cơ quan truyền thông để lên án các hành vi bạo lực xâm hại trẻ em nhằm đẩy mạnh tuyên truyền phòng tránh bạo lực, xâm hại trẻ em đến các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và trẻ em./.

 Trúc Đào, Chuyên viên Văn phòng