Thông qua văn bản, Ủy ban nhân dân huyện Đắk Mil giao nhiệm vụ cụ thể từng đơn vị, địa phương, trong đó tập trung các nội dung chính như sau:
Tuyên truyền, hỗ trợ nhân dân thực hiện gia cố, giằng chống nhà ở và các công trình tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đặc biệt đối với các nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ. Kiểm tra, rà soát và có biện pháp sửa chữa, gia cố đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão đối với công trình có sử dụng mái tôn, mái fibro xi măng, trần nhựa, cửa kính, công trình gắn panô, biển quảng cao trên cao, bồn chứa nước trên cao. Thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Công văn số 1145/BXD-KHCN ngày 28/5/2015 về việc hướng dẫn nhà an toàn theo các cấp bão.
Tiếp tục rà soát quy hoạch đô thị, khu dân cư, lựa chọn bố trí các điểm dân cư phù hợp để hạn chế khả năng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, các khu vực thoát lũ ở hạ lưu các hồ chứa,… nhằm hạn chế thiệt hại của người dân khi có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét. Đồng thời, xây dựng kế hoạch từng bước di dời dân cư tại khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến khu vực an toàn theo quy hoạch.
Rà soát quy hoạch hệ thống giao thông, công trình thủy điện, hồ chứa nước, quy hoạch khu, cụm công nghiệp,… không để việc san ủi, đào đắp gây nguy cơ sạt lở đất, ngập úng và lũ lụt.
Kiểm tra, bảo trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đảm bảo phát huy hiệu quả tiêu thoát nước ở khu vực đô thị, chống ngập úng đô thị; có biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đô thị như: Trạm biến áp, cột điện,…; chặt tỉa cây xanh nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản, công trình xây dựng trong đô thị.
Bố trí lực lượng chuyên môn để quản lý, vận hành công trình thủy lợi, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ hồ chứa, đập trong mùa mưa bão; kiểm tra việc thực hiện quy trình vận hành các công trình thủy lợi trên địa bàn quản lý. Rà soát, lập phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đập thủy lợi, thủy điện./.